“Buôn có bạn, bán có phường” nên tại TP.HCM có nhiều nghề đặc thù mà người làm nghề đã tự tập hợp hành nghề gần nhau trên cùng một con đường, lâu dần tạo nên những phố nghề. Có những phố nghề tồn tại từ thời Sài Gòn xưa, những phố nghề mới hình thành gần đây, tạo nên nét văn hóa rất thú vị của Sài Gòn - TP.HCM.
Ngoài dòng chữ quảng cáo “có máy cắt chìa khóa”, phía trước những căn lều tạm bợ dựng san sát bên đường của những người hành nghề cắt chìa luôn có một-hai người túc trực vẫy khách, chào mời: “Cắt chìa không anh/chị?”. Chị Huệ chủ “tiệm” Vĩnh Phát vui vẻ chia sẻ: “Làm nghề này không tốn tiền thuê mặt bằng, chỉ cần có thùng đồ nghề là mở được “tiệm”. Buổi tối thì dỡ bạt ra, đẩy xe về nhà, sáng lại đẩy xe ra. Hằng tháng nộp chút tiền thuế cho phường, điện thì câu từ nhà dân ở đối diện. Trước đây, người làm nghề này ở cách xa nhau lắm. Sau này, phường tập hợp mọi người cùng nghề lại trên một đường. Nhiều tiệm gần nhau, tuy cạnh tranh cao nhưng dễ làm ăn hơn”.
Đặt chiếc chìa khóa mẫu vào rãnh máy cắt chìa, trong vòng hai phút, một chiếc chìa khóa bản sao ra đời. Người thợ chỉ cần giũa sơ vài đường là có thể bỏ túi từ 10.000đ - 30.000đ tiền công, tùy loại chìa. Ông chủ “tiệm” Hồng Phát mái tóc bạc trắng là thợ lớn tuổi nhất con đường này. Mắt mờ, tai hơi lãng, ông chậm rãi nhớ lại: “Hơn 10 năm trước, chưa có máy cắt chìa nên thợ sửa khóa phải giũa bằng tay, một cái chìa làm nhanh nhất cũng mất 20 phút. Giũa tay không chính xác lắm, chìa cắt xong về có khi không mở được. Từ ngày nhập máy cắt chìa từ nước ngoài về, nghề này phất lên nhanh. Làm nghề hơn 30 năm, giờ lớn tuổi nên tôi chỉ cắt chìa bằng máy, còn sửa khóa thì nhường lại cho thợ trẻ, mắt sáng hơn”.
Một thợ sửa khóa trên đường Phùng Hưng
Dù con cái không ai theo nghề của ông, nhưng khi nhắc đến việc nhận người học sửa khóa để truyền nghề, ông cụ lắc đầu từ chối: “Nghề này mà có trường dạy thì xã hội loạn hết. Thợ sửa khóa không phải gặp ai cũng dạy nghề được. Muốn truyền nghề phải xem tính cách của người học có ngay thẳng không. Sợ nhất là gặp người gian, khi học được nghề này về họ làm việc xấu, mình cũng mang tiếng”.
Chính vì giữ cái tâm với nghề mà hầu hết thợ sửa khóa đều từ chối nhận người lạ vào học nghề. Quanh con đường này, phần đông thợ là những người có họ hàng với nhau. Ngoài việc sửa khóa, cắt chìa tại “tiệm”, những người không may làm mất chìa khóa nhà, xe có thể yêu cầu thợ đến làm trực tiếp, phí mở ổ khóa hay cắt chìa mới cho những trường hợp này sẽ cao hơn. Anh Phát, mới 24 tuổi nhưng đã có sáu năm gắn bó với nghề này, cho biết: “Có những loại khóa mới phức tạp, đến tận nhà mở cả buổi mới ra. Những trường hợp tốn nhiều công sức như vậy, phí cắt chìa mới có khi lên đến vài trăm ngàn đồng. Làm nghề này, nếu không cẩn thận, có khi mình vô tình thành đồng phạm với kẻ gian. Hồi mới ra nghề, có người đàn ông ghé tiệm nói là mất chìa khóa nhà, nhờ tôi đến mở giùm. Trong khi tôi loay hoay mở khóa thì anh ta lặng lẽ sang bên kia đường đứng chờ. Biết đó là kẻ xấu, tôi không làm nữa”.
Ông H., theo nghề hơn 15 năm, kể về những kinh nghiệm phát hiện kẻ gian: “Nhiều người đến đây xin học nghề này chỉ trong một tuần và hứa trả cho tôi hai - ba chỉ vàng. Nghe là tôi biết họ học nghề này không phải để ra mở tiệm kiếm chén cơm như tôi. Biết mục đích học nghề là để làm việc xấu, tôi từ chối ngay, dù khoản tiền công dạy rất hậu”. Tuy nhiên, có không ít kẻ trộm rất mưu mẹo nên người thợ sửa khóa còn phải biết cách “thử” khéo léo để phát hiện ra bộ mặt thật của họ. “Nếu muốn biết nhà đó có phải của anh ta không thì dễ rồi, chỉ cần hỏi hàng xóm là biết, nhưng gặp trường hợp người chung một nhà mướn thợ đến cạy tủ của người khác lấy tài sản mới nguy. Gặp mấy người này, thấy nghi ngờ là tôi làm bộ nói nếu mở bằng chìa mới sau này tìm được chìa cũ sẽ không mở ra, tôi mở xong thường để lại vết trầy xước rất lớn, anh/chị có chịu không? Khi đó, nhìn ánh mắt lo lắng của họ mình biết liền”. Với trường hợp những người dắt xe máy đến “tiệm” nói mất chìa, nhờ cắt chìa mới thì ông H. thật sự lúng túng. “Đôi khi biết xe máy này họ lấy cắp của người khác nhưng giờ họ dắt đến tiệm yêu cầu mình làm chìa biết từ chối sao đây? Nghề này không cẩn thận dễ đi tù lắm, nhất là những thợ có lòng tham thường bị đồng tiền làm mờ mắt”, ông H. nói thêm.
|